Sản xuất Cha và con và...

Bối cảnh thực hiện

"Có một chủ đề mà Di cũng muốn nhắc lại trong phim chính là quan hệ của người con trai và người cha. Trong phim, nhân vật chính là Vũ có một người cha ở quê, thỉnh thoảng ông có lên thăm, mang cho nó tiền, mua cho nó một cái máy ảnh. Trong một hôm về quê, rất nhiều chuyện xảy ra, sau đó mối quan hệ giữa cha và con cũng bị đứt đoạn. Câu chuyện này đan xen rất nhiều mảng đời như vậy."

—Phan Đăng Di giải thích về chủ đề ở bộ phim dài thứ hai này.[5]

Đạo diễn Phan Đăng Di lấy ý tưởng cho bộ phim này khi đọc được một câu chuyện có thật từng được Báo Thanh Niên đăng tải từ 17 năm trước,[2] về những thanh niên làm giấy tờ giả để thắt ống dẫn tinh và lĩnh tiền thưởng.[6] Dù vậy, dự án phim chỉ được chính thức khởi động từ năm 2011, một năm sau khi Phan Đăng Di hoàn thành tác phẩm điện ảnh đầu tay đạt thành công về chuyên môn Bi, đừng sợ!.[6][7]

Đỗ Thị Hải Yến góp mặt trong phim ở vai trò nhà sản xuất kiêm diễn viên chính, đánh dấu lần trở lại của cô với điện ảnh kể từ tác phẩm thành công Cánh đồng bất tận (2010).[2][4][6][8] Nam diễn viên Lê Công Hoàng là một phát hiện mới của đạo diễn Phan Đăng Di, khi có xuất thân là một nhân viên ngân hàng.[6][8] Trong phim còn có sự xuất hiện của Kiều Trinh và Nguyễn Hà Phong, hai diễn viên từng cộng tác với Phan Đăng Di trong Bi, đừng sợ!;[6] và Mai Quốc Việt, chàng trai từng được biết tới khi giả giọng 12 ca sĩ trong ca khúc "Cát bụi" vào năm 2011.[6][9] Hai nữ diễn viên trẻ tuổi khác cũng tham gia trong phim: Thanh Tú, con gái thật của Kiều Trinh, tham gia trong một vai nhỏ; và Thanh Trúc trong vai “vợ tương lai” của nhân vật Vũ.[6]

Khi mới còn là dự án, Cha và con và... đã được đạo diễn Phan Đăng Di mang đến nhiều Liên hoan phim và diễn đàn điện ảnh quốc tế để tìm kiếm tài chính và đối tác,[2][6] trong đó có diễn đàn tài chính điện ảnh Á Châu - Liên hoan phim Quốc tế Hồng Kông 2011; diễn đàn các nhà sản xuất phim Á-Âu Ties That Bind - Liên hoan phim Udine – Italia và Liên hoan phim Busan 2011; trong khuôn khổ Dự án phim đặc sắc Paris Project – Liên hoan phim quốc tế Paris 2011 và tại Hội chợ phim châu Âu – Liên hoan phim Berlin 2013.[2]

Ghi hình và sản xuất

Phim được lên kế hoạch bấm máy từ cuối năm 2013,[2] với phần hỗ trợ kinh phí sản xuất được đảm nhận bởi Quỹ Điện ảnh thế giới Berlinale (World Cinema Fund),[1][2] khi phim nằm trong số 4 dự án vượt qua 130 dự án từ 48 quốc gia và vùng lãnh thổ để nhận được số tiền hỗ trợ 40.000 Euro (khoảng 1.1 tỷ đồng).[2] Trước đó, Bi, đừng sợ! cũng từng được nhận tài trợ của quỹ này vào năm 2008.[2] Phim còn nhận thêm được hỗ trợ tài chính của Quỹ Hubert Bals Fund – Liên hoan phim Quốc tế Rotterdam (Hà Lan) và Trung tâm hỗ trợ phát triển văn hoá Việt Nam (A&C).[2]

Để vào vai Vân, Đỗ Thị Hải Yến đã phải giảm 7 kg và kiên trì tập lại ballet sau 17 năm rời xa sân khấu múa.[8] Dự án được thực hiện nhờ vào sự hợp tác của bốn hãng phim của Việt Nam, Đức, Pháp và Hà Lan.[5] Nếu như ở giai đoạn tiền kỳ, phim nhận được 65% vốn đầu tư đến từ Việt Nam,[1] thì ở giai đoạn hậu kỳ, toàn bộ kinh phí là vốn của nước ngoài.[5] Trong đó, phần kinh phí cho bối cảnh, trang phục, đạo cụ cho phim tốn khoảng 10 tỷ đồng.[10] Phần hậu kỳ gồm cả hai khâu hoàn chỉnh màu sắc lẫn âm thanh đều được thực hiện tại Pháp.[5] Phim hoàn thành những khâu cuối cùng vào tháng 1 năm 2015.[1]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Cha và con và... http://www.facebook.com/bigfathersmallfather http://www.imdb.com/title/tt3867606/releaseinfo?re... http://www.berlinale.de/en/programm/berlinale_prog... http://vi.rfi.fr/20150204-vn-berlin// http://vi.rfi.fr/viet-nam/20150213-phan-dang-di-bi... http://giaitri.vnexpress.net/photo/sau-man-anh/do-... http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/gioi-sao/tron... http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/phim/sau-man-... http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/phim/sau-man-... http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/phim/sau-man-...